Trang chủ » Bài học kinh doanh » Đâu là công thức của các chương trình khuyến mãi thành công?

Bài học

Đâu là công thức của các chương trình khuyến mãi thành công?

2 Tháng Tám, 2021

Khuyến mãi quá ít sẽ khiến khách không có động lực mua hàng, hoặc khiến cửa hàng của bạn bớt hấp dẫn so với đối thủ cạnh tranh. Nhưng khuyến mãi quá nhiều, quá thường xuyên sẽ khiến khách nghi ngờ về chất lượng, uy tín. Hầu hết các chương trình khuyến mãi thành công đều có công thức, tiêu chí nhất định. Hãy tìm hiểu xem đó là gì và bạn đã sẵn sàng để thực hiện chúng chưa!

Các chương trình khuyến mãi

Thời điểm vàng để tổ chức các chương trình khuyến mãi

Khi dự định tổ chức các chương trình khuyến mãi, ngoài việc chọn mốc thời gian phù hợp với tình hình kinh doanh hay chiến lược bán hàng, còn phải xem đó có phải thời điểm thích hợp hay không.

Nếu bạn bán dụng cụ học tập, khuyến mãi vào mùa khai giảng sẽ đem lại hiệu quả cao. Cũng giống như các nhà bán Tivi khuyến mãi vào mùa bóng đá như Euro, World Cup, kể cả một sản phẩm có thể được tiêu thụ quanh năm, cũng nên chọn một thời điểm hợp lý thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng nhất có thể.

Các chương trình khuyến mãi 1

Các đợt ưu đãi dài kỳ thì nên chọn những tháng thích hợp trong năm. Còn đợt ngắn hạn thì hãy lưu ý các ngày trong tuần. Hoặc nếu quy định khuyến mãi trong vòng 24 giờ, 48 giờ… hãy lựa chọn thời điểm bắt đầu và kết thúc phù hợp với đối tượng khách hàng của bạn.

Ví dụ: Khách hàng mục tiêu của bạn là dân văn phòng và làm việc theo giờ hành chính, bạn muốn tổ chức khuyến mãi trong 3 ngày, vậy thời điểm lý tưởng sẽ là thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Nếu chương trình của bạn có quy định thời gian cụ thể, hãy chọn giờ bắt đầu và kết thúc vào chiều tối, khi mọi người đang nghỉ ngơi và có nhiều thời gian tham gia.

Xem thêm: Bí quyết để lập chương trình khuyến mãi thành công

Định giá khuyến mãi thông minh

Các chương trình khuyến mãi thành công không chỉ là thu hút được nhiều người tham gia, bán được nhiều đơn hàng, mà còn là đem lại lợi nhuận hoặc sức ảnh hưởng cho thương hiệu.

Tùy vào mục đích của mỗi chương trình, có thể là thanh lý hàng tồn kho, quảng bá danh tiếng/thương hiệu/sản phẩm mới, tăng doanh số bán… mà bạn nên lựa chọn mức giá thích hợp. Đương nhiên, sẽ không có nhà kinh doanh nào thích bán lỗ cả.

Các chương trình khuyến mãi 2

Tuy vậy, không phải chúng tôi khuyến khích người bán đẩy giá sản phẩm lên cao rồi lại giảm giá. Chiêu trò này gần đây quá phổ biến và làm mất niềm tin nơi khách hàng. Hãy thiết kế chương trình khuyến mãi hợp lý hơn để cả người bán lẫn người mua đều có lợi.

Ví dụ, bạn đang kinh doanh giày thể thao với giá 1,000,000 đồng/đôi, trong đó giá gốc sản phẩm là 600,000 đồng, lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí vận hành sẽ còn khoảng 250,000 đồng/đôi. Nếu bạn tạo chương trình khuyến mãi giảm giá 100,000 đồng/đôi, lợi nhuận của bạn cũng sẽ giảm tương đương, trong khi chi phí cho chiến dịch có thể tăng thêm.

Thay vào đó, bạn có thể khuyến mãi theo combo, đưa những mẫu giày cũ vào bán kèm với các mẫu đang hot. Hoặc bán combo 2 đôi với giá 1,880,000 đồng, hoặc mua 1 đôi giá 1,000,000 đồng thì có thể mua đôi thứ 2 với giá 900,000 đồng… Hãy linh hoạt và sáng tạo khi thiết kế chiến dịch cho mình, sao cho tối ưu được cả doanh số bán và lợi nhuận.

Đọc thêm: Các hình thức khuyến mãi được ưa chuộng tại Việt Nam

Giới hạn thời hạn, số lượng sản phẩm ưu đãi

Dù bạn không cần mua thêm áo thun, nhưng bạn vô tình nhìn thấy một chiếc áo với thiết kế đẹp mắt đang được quảng cáo. Bạn bấm vào xem thì thấy mức giá chỉ bằng 50% giá chiếc áo bạn đang mặc. Khi bạn còn đang suy nghĩ có nên mua hay không, thì bạn nhìn thấy chỉ còn 2 áo như vậy và thời gian để mua được với mức giá đó còn lại 10 phút. Không suy nghĩ nữa, bạn nhanh tay chốt đơn để giành cơ hội cho mình.

Có lẽ đó chính là cách mà Flash Sale đang tác động đến thói quen mua sắm của nhiều người, và thôi thúc họ mua nhiều sản phẩm hơn dự tính. Bị thôi thúc bởi thời gian và số lượng, người mua sẽ có cảm giác khan hiếm và muốn tranh nhau mua để giành món hời ấy về cho mình.

Các chương trình khuyến mãi 3

Bạn có thể sử dụng công thức này mà không làm Flash Sale không? Câu trả lời là vẫn được. Có thể thiết kế chương trình ưu đãi của bạn bao gồm nhiều mặt hàng, nhưng mỗi món chỉ có 1 số lượng nhất định được áp dụng giảm giá. Nếu con số được quy định đã bán hết, vậy người đến sau vẫn phải mua với mức giá thông thường.

Bạn cũng có thể chia nhỏ chương trình khuyến mãi. Ví dụ ngày 1 và 2 ưu đãi nhóm sản phẩm này, sang ngày 3 lại ưu đãi nhóm sản phẩm khác… Đó là những cách giới hạn thời gian và số lượng, tạo động lực cho khách mua hàng nhanh hơn.

Kết luận

Hãy áp dụng thử những công thức trên cho các chương trình khuyến mãi của mình. Chúng có thể giúp bạn tăng doanh số, doanh thu, lợi nhuận lẫn đánh bóng thương hiệu. Ngoài ra, tùy vào từng chiến dịch, mục đích mà bạn có thể áp dụng linh hoạt thêm nhiều cách khác. Miễn là bạn không lừa dối khách hàng và quảng bá cho chiến dịch tốt, chương trình của bạn sẽ có nhiều khả năng thành công.

Tags:

Bài viết cùng chuyên mục