Blog » Kiến thức xuất khẩu » Xuất nhập khẩu tại chỗ: Quy định và thủ tục cần nắm rõ

Xuất nhập khẩu tại chỗ: Quy định và thủ tục cần nắm rõ

28 Tháng Chín, 2022

Hiện nay, thay vì xuất nhập khẩu hàng hóa theo hướng truyền thống,ì các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang xuất nhập khẩu tại chỗ. Với hình thức này, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tối đa thời gian, các chi phí, đồng thời sẽ được hưởng một số ưu đãi về thuế suất.

Xuất nhập khẩu tại chỗ

Để giúp bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về hình thức xuất nhập khẩu này, Mediastep đã tổng hợp các thông tin quan trọng trong bài viết sau đây.

Khái quát hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ

Xuất nhập khẩu tại chỗ là hình thức các doanh nghiệp tại Việt Nam (có thể là doanh nghiệp thuần Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài, nhưng toàn bộ giao dịch và thủ tục giao hàng đều được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Khái quát hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ

Người nhận hàng sẽ là doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam, được người mua trực tiếp chỉ định. Đó có thể là công ty đối tác, công ty ủy quyền hoặc công ty chi nhánh của người mua.

Như vậy, xuất khẩu tại chỗ sẽ có các đặc trưng như sau:

  • Doanh nghiệp Việt Nam bán hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
  • Giao hàng cho một doanh nghiệp được chỉ định trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Toàn bộ các thông tin liên quan đến người nhận hàng sẽ được công ty nước ngoài cung cấp.

Ưu điểm xuất nhập khẩu tại chỗ

Xuất nhập khẩu tại chỗ đang ngày càng phổ biến rộng rãi tới các doanh nghiệp với những ưu điểm vượt trội không thể phủ nhận:

  • Đầu tiên, giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.
  • Thứ hai, mang đến cho doanh nghiệp những ưu đãi hấp dẫn về thuế xuất nhập khẩu.
  • Thứ ba, tiết kiệm tối đa các khoản phí, thời gian vận chuyển hàng hóa, chất lượng kiện hàng trong quá trình vận chuyển…

Xem thêm: Xuất khẩu hàng hóa có cần giấy phép không?

Một số quy định đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ

Một số quy định đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ

Theo điều 86, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ trên lãnh thổ Việt Nam được quy định như sau:

Những mặt hàng xuất nhập khẩu

  • Các sản phẩm gia công; nguyên liệu, vật tư sử dụng dư thừa; các thiết bị và máy móc thuê hoặc mượn; phế phẩm, phế liệu thuộc hợp đồng gia công
  • Hàng hóa trao đổi, mua bán giữa các doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp doanh nghiệp chế xuất;
  • Hàng hóa mua bán, trao đổi giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được doanh nghiệp, thương nhân tại nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với một doanh nghiệp khác có trụ sở tại Việt Nam.

Đơn vị làm thủ tục hải quan

Hiện nay, Chi cục Hải quan là đơn vị thực hiện và cung cấp các thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ. Người khai hải quan có thể lựa chọn các cơ quan thuận tiện trên địa bàn hoạt động của mình và theo đúng quy định của từng loại hình mua bán.

Quy định về hồ sơ hải quan cần thiết

Tại điều số 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC, quy định về hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ như sau:

Trường hợp hàng hóa mua bán, trao đổi giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất, thì người làm tờ khai hải quan phải sử dụng hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo đúng quy định của Bộ Tài chính để thay thế cho hóa đơn thương mại.

Hồ sơ hải quan được quy định bao gồm các chứng từ sau đây:

  • Tờ khai hải quan
  • Hợp đồng thương mại
  • Hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn giá trị gia tăng (đối với trường hợp các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu hàng hóa vào các khu chế xuất)
  • Các chứng từ vận tải hàng hóa
  • Chứng từ xác minh chất lượng hàng hóa
  • Các chứng có liên quan theo từng trường hợp và lĩnh vực cụ thể

Thời hạn làm thủ tục hải quan cho hàng hóa

Thời hạn người nhập khẩu hàng hóa tại chỗ phải làm thủ tục hải quan là 15 ngày làm việc. Tính từ ngày thông quan hàng hóa và sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành việc giao nhận hàng hóa. 

Thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ

Thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ

Cũng theo điều 86, tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ được quy định như sau:

Trách nhiệm của nhà xuất khẩu

  • Làm tờ khai thông tin hóa xuất khẩu và vận chuyển kết hợp, tại ô “Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” ghi rõ mã địa điểm của Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục hải. 
  • Thực hiện các thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền;
  • Sau khi hàng hóa được thông quan, phải tiến hành giao hàng đến tay người nhập khẩu

Trách nhiệm của nhà nhập khẩu

  • Làm tờ khai nhập khẩu theo đúng thời gian quy định, tại ô “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy, phải ghi rõ số tờ khai hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.
  • Thực hiện các thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo đúng thời gian và quy định;
  • Chỉ được đưa hàng hóa nhập khẩu vào quá trình sản xuất hoặc tiêu thụ sau khi các hàng hóa này đã được thông quan.

Trách nhiệm của cơ quan làm thủ tục xuất khẩu

  • Cơ quan làm thủ tục xuất khẩu sẽ theo dõi và kiểm tra tờ khai hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu đã hoàn thành đầy đủ thì tiến hành thực hiện, cung cấp các thủ tục hải quan.
  • Tiếp nhận và kiểm tra thông tin được kê khai của Hệ thống hải quan.
  • Dựa theo chỉ định của doanh nghiệp nước ngoài thì hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được tổng hợp và lập danh sách các tờ khai được thông quan hàng tháng.

Xem thêm: Cá nhân có được xuất khẩu hàng hóa không?

Trách nhiệm của cơ quan làm thủ tục nhập khẩu

  • Theo dõi tờ khai hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu đã hoàn thành đầy đủ thì sẽ thực hiện thủ tục hải quan đối với các hàng hóa nhập khẩu;
  • Tiếp nhận, kiểm tra các thông tin theo kết quả của Hệ thống. 
  • Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, theo chỉ định của các doanh nghiệp nước ngoài thì hàng tháng sẽ tổng hợp và lập danh sách tờ khai hàng hóa đã được thông quan.

Với những thông tin về xuất nhập khẩu tại chỗ trong bài viết này, hy vọng đây là những kiến thức có ích cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia vào lĩnh vực này.

Xem thêm: Xuất khẩu hàng hóa – Đột phá doanh thu với dịch vụ GoEXPORT